Thực hiện Kế hoạch của chuyên khoa đầu ngành 2019, sáng ngày 29/11/2019 Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức Hội thảo khoa học với chuyên đề  “Cập nhật Phục hồi chức năng các bệnh lý Thần kinh và Cơ - Xương - Khớp”.

Tham dự Hội thảo, có các nhà Khoa học: PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn PHCN - Học viện quân Y 103, Nguyên Trưởng khoa VLTL - PHCN - Bệnh viện quân y 103; PGS.TS. Phạm Văn Minh - Chủ nhiệm Bộ môn PHCN - Trường Đại học Y Hà Nội - Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Nội - Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành PHCN của thành phố Hà Nội; cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng ở các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trong thành phố Hà Nội, các Trung tâm y tế Quận/Huyện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS. Phạm Văn Minh - Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Nội - Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành PHCN - Chủ nhiệm Bộ môn PHCN - Trường Đại học Y Hà Nội cám ơn các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã dành thời gian cho buổi hội thảo.

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não đã và đang là một thách thức lớn đối với nền Y học thế giới cũng như Việt Nam. Đột quỵ não đang là căn bệnh xếp thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên Thế giới, sau tim mạch và ung thư và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật kéo dài ở người trưởng thành.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hiện mắc và mới mắc trung bình tương ứng là 116/100.000 dân và 28,25/100.000 dân. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao, nếu bệnh nhân qua được thì cũng để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh. Theo nhiều thống kê, trên 90% bệnh nhân sau đột quị bị các di chứng nặng nề như: liệt nửa người, thất ngôn, rối loạn nuốt, suy giảm nhận thức, trầm cảm…, trong đó di chứng gặp phổ biến và nhiều nhất là liệt nửa người. Bệnh nhân cần được tiếp tục chăm sóc và phục hồi chức năng để giảm mức độ tàn phế và thương tật thứ cấp, nâng cao chất lượng cuộc sống, Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân liệt nửa người sau đột quị vẫn đã, đang và mãi là vấn đề quan tâm của các nhà khoa học.
Với chuyên đề di chứng đột quỵ não, các bác sĩ đã chia sẻ những nghiên cứu điều trị: BSCKII. Nguyễn Quang Anh - Trưởng khoa Nội - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã chia sẻ “Nghiên cứu hiệu quả phương pháp cưỡng bức vận động tay bên liệt (mCIMT) trong phục hồi chức năng bàn tay trên bệnh nhân liệt nửa người do nhồi máu não”: Phương pháp mCIMT này còn được biết đến như một phương pháp phản hồi sinh học làm phục hồi và tăng cường hoạt động của vỏ não chi phối vận động của bên liệt thông qua các hoạt động định hình lặp đi lặp lại và các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Làm cho bệnh nhân và gia đình hiểu từ đó phối hợp với nhân viên y tế tuân thủ thực hiện kỹ thuật làm tăng hiệu quả phục hồi vận động tay liệt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh phương pháp mCIMT làm tăng hiệu quả của các phương pháp phục hồi chức năng và cải thiện chức năng sinh hoạt hằng ngày. Đây là một phương pháp dễ thực hiện và áp dụng cho các bệnh nhân khi về với cộng đồng làm cho người bệnh được phục hồi chức năng liên tục ngay cả trong giai đoạn di chứng từ đó phòng tránh được các thương tật thứ cấp.

BSCKII. Ninh Thị Bích Hợp - Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An với nghiên cứu: “Đánh giá kết quả phục hồi vận động bằng phục hồi chức năng kết hợp điện châm cho bệnh nhân liệt nửa người do Nhồi máu não”. Sau 30 ngày và 90 ngày điều trị, kết quả phục hồi chức năng nhận thức và vận động đều tiến triển tốt trên cả chỉ số Folstein, chỉ số Fulg - Meyer và chỉ số Barthel. Sau 15 ngày điều trị 100% bệnh nhân có suy giảm nhận thức nhẹ đều bình phục không có suy giảm nhận thức. Sau 90 ngày điều trị, 100% bệnh nhân vận động ở mức khá lên mức tốt, 41,7% bệnh nhân vận động ở mức trung bình lên mức tốt và 100% bệnh nhân vận động ở mức kém lên mức khá. Đánh giá kết quả cải thiện chức năng độc lập sinh hoạt của người bệnh theo thang điểm Barthel cho thấy sau 30 ngày điều trị, có 81,0% bệnh nhân có khả năng độc lập sinh hoạt ở mức trung bình lên mức phụ thuộc ít, 95% bệnh nhân ở nhóm phụ thuộc hoàn toàn lên mức phụ thuộc ít. Sau 90 ngày điều trị, có 71,4% bệnh nhân có khả năng độc lập sinh hoạt ở mức trung bình lên mức độc lập hoàn toàn, 45% bệnh nhân ở nhóm phụ thuộc hoàn toàn lên mức độc lập hoàn toàn.
BSCKII. Bùi Thị Hồng Thúy - Bệnh viện Trung ương Quân y 108 với nghiên cứu: “Đánh giá hiệu quả điều trị rối loạn nuốt ở bệnh nhân nhồi máu não bằng phương pháp phục hồi chức năng kết hợp liệu pháp Biofeedback”. Theo dõi kết quả điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn nuốt sau đột quỵ tuy với thời gian ngắn nhưng thu được kết quả tương đối khả quan về việc cải thiện mức độ rối loạn nuốt: Sau 5 ngày điều trị tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn nuốt mức độ nặng giảm từ 12,2% xuống 7,3%; tỷ lệ bệnh nhân không có rối loạn nuốt và rối loạn nuốt mức độ nhẹ tăng từ 41,5% lên 70,7%; tỷ lệ này tiếp tục tăng sau điều trị 10 ngày là 85,3%, sau 15 ngày điều trị là 95,1%. Khảo sát các yếu tố liên quan đến mức độ rối loạn nuốt và kết quả điều trị, nhóm nghiên cứu thu được một số kết quả:
- Đa số các bệnh nhân lớn tuổi > 70 tuổi bị rối loạn nuốt mức độ nặng (60%).  Sau điều trị 100% bệnh  nhân có độ tuổi 40-50 không còn rối loạn nuốt; Điều này cho thấy tuổi càng cao thì triệu chứng của bệnh càng tăng nặng và khả năng phục hồi càng kém, ngược lại tuổi càng trẻ thì khả năng phục hồi càng nhanh.
- Bệnh nhân được can thiệp càng sớm thì khả năng hồi phục càng khả quan, điều này thể hiện kết quả điều trị có tới 100%  bệnh nhân không còn rối loạn nuốt thuộc nhóm được can thiệp PHCN trước 1 tháng
Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chưa ghi nhận một trường hợp nào có biến chứng hít sặc, viêm phổi hay viêm phổi tái phát, điều này cho thấy việc can thiệp sớm cho bệnh nhân bị rối loạn nuốt có ý nghĩa trong việc giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.

Với chuyên đề về Phục hồi chức năng Cơ - Xương - Khớp, BSCKII. Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa PHCN - BV ĐK Đức Giang với nghiên cứu: “Đánh giá kết quả PHCN khớp gối theo chương trình của Bệnh viện Brigham Women’s Hospital - Harward (BWH-H)  cho BN sau mổ tái tạo DCCT với mảnh ghép gân cơ bán gân và gân cơ thon 2019”, Tổn thương dây chằng chéo trước (DCCT) là một trong những tổn thương hay gặp nhất trong chấn thương khớp gối. Theo ước tính mỗi năm, tỷ lệ tổn thương dây chằng chéo trước tại Mỹ là từ 80000  đến 250000 ca; hầu hết xảy ra ở độ tuổi 15-45 t và 70% số đó là do chấn thương thể thao. Phẫu thuật nội soi tái tạo chằng chéo trước đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện. Mục tiêu của phẫu thuật là tái tạo lại dây chằng chéo trước giống với đặc điểm giải phẫu và chức năng của chằng chéo trước nguyên bản, nhằm phục hồi tối đa chức năng khớp gối. Về kỹ thuật mổ, mảnh ghép được dùng phổ biến hiện nay là gân cơ bán gân và gân cơ thon (cơ chân ngỗng) và được cố định bằng vis tự tiêu theo kỹ thuật “tất cả bên trong”. Chương trình PHCN trên thế giới, đều nhấn mạnh đến sự phù hợp của chương trình PHCN với kỹ thuật cố định và mảnh ghép. Chương trình PHCN khớp gối của Brigham Women’s Hospital của Đại học Harward (BWHH) được thiết kế dành riêng cho phẫu thuật tái tạo DCCT với mảnh ghép gân cơ bán gân và gân cơ thon. Thiết kế theo giai đoạn, có mục tiêu, bài tập cụ thể và tiêu chí đánh giá cho mỗi giai đoạn; chương trình nhắm tới sự hồi phục hoàn toàn chức năng của khớp gối trong 6-9 tháng. Nghiên cứu được thực hiện ở 110BN (82 nam và 28 nữ) sau mổ tái tạo DCCT bằng mảnh ghép gân cơ bán gân và gân cơ thon theo phương pháp “tất cả bên trong”, nhằm đánh giá kết quả phục hồi chức năng khớp gối sau mổ 3 tháng theo chương trình của BV BV BWH-H. Thang đánh giá được dùng là tầm vận động khớp gối theo phương pháp Zero, cơ lực cơ gập duỗi gối theo 6 bậc của Kelldan,  tình trạng khớp theo Lysholm 0-100 điểm và điểm hoạt động khớp gối Cincinnati 120-420 điểm. Kết quả cho thấy tầm vận động khớp gối đạt loại tốt (trên 120o) sau 1 tháng và đạt 130o sau 2 tháng tập ở cả nam và nữ. Cơ lực cơ gập và duỗi gối đều đạt bậc 5 sau 2 tháng tập. Sau 1 tháng tập, điểm Lysholm ở hai giới tương ứng với 85,8 và 84,3 điểm (mức khá); và sau 3 tháng chỉ số này là 95,0 và 94,4 điểm (mức tốt). Điểm Cincinnati sau 3 tháng lần lượt tăng tới 363/420 điểm ở nam và 352/420 điểm ở nữ. Kết quả này tốt hơn rõ ràng so với các chương trình tập khớp gối trước đó vì BN được tập khớp gối chủ động sớm trong 4 tuần đầu, dồn trọng lượng và đi có nẹp, và từ tháng thứ 2-3 bắt đầu tập mạnh cơ và tập bản thể, thăng bằng với chuỗi động đóng và chuỗi động mở tại khoa phục hồi chức năng 1 tháng và sau đó tập tại nhà theo chương trình hướng dẫn. Kết luận: nên áp dụng chương trình tập của bệnh viện BWH-H cho BN sau mổ DCCT với mảnh ghép gân cơ bán gân và gân cơ thon.
BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Bộ môn PHCN trường ĐH Y Hà Nội - Trưởng khoa PHCN - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ nghiên cứu: “Trị liệu nhận thức hành vi trong điều trị đau cổ vai mạn tính do thoát vị đĩa đệm”. Tại Viêt Nam tỉ lệ mắc bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng ngày càng gia tăng, không chỉ đối với người già mà còn xảy ra với người trẻ. Can thiệp trị liệu nhận thức hành vi (CBT) đã được triển khai áp dụng rộng rãi trên thế giới cho các trường hợp đau mạn tính, đặc biệt cho đau thắt lưng mạn tính, nhưng chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục trong điều trị bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ. Bác sĩ đã báo cáo ca bệnh để cho thấy tầm quan trọng của cách tiếp cận điều trị theo đa phương thức trong đau cổ vai mạn tính nói chung, bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ nói riêng. 85% các trường hợp phồng/thoát vị đĩa đệm có thể điều trị bảo tồn, không cần can thiệp ngoại khoa, tuy nhiên các bác sĩ mới chỉ tập trung vào sử dụng thuốc hoặc 1 số can thiệp xâm lấn tối thiểu, mà bỏ qua điều trị PHCN và CBT, trong khi chính các bài tập vận động và điều chỉnh hành vi, lối sống thông qua can thiệp CBT mới giúp bảo tồn, duy trì chức năng cột sống tốt nhất. Can thiệp nhận thức để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của bệnh nhân, kết hợp với chương trình vật lý trị liệu - PHCN được thiết kế phù hợp với từng người sẽ giúp họ lấy lại sự tự tin và trở lại cuộc sống bình thường.

Chụp ảnh kỷ niệm trong buổi Hội thảo