Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, gây tăng đường huyết mạn tính do thiếu Insulin tương đối hay tuyệt đối của tuyến tụy. Đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường kéo theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. những rối loạn này có thể dẫn tới hôn mê và tử vong trong thời gian ngắn nếu không điều trị kịp thời. Hậu quả muộn của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và các mạch máu lớn ở bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường đang là hiểm họa của sức khỏe cộng đồng, ước tính đến năm 2025 số người mắc bệnh trên toàn thế giới là 330 triệu người chiếm 5,45 %, đặc biệt dân số mắc bệnh gia tăng tập trung ở các nước đang phát triển châu Á và châu Phi. Trước khi mắc bệnh hầu hết người bệnh đều trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng không hề biết và các biến chứng trong giai đoạn này đặc biệt là biến chứng tim mạch không khác gì ở người đã bị đái tháo đường.

Quản lý chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường một cách cẩn thận có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm bớt các biến chứng ở những bệnh nhân này

Mục tiêu chung chế độ ăn điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường:

- Đạt được và duy trì tối ưu mức độ Glucose máu ở mức độ bình thường hoặc gần bình thường để phòng ngừa biến chứng của bệnh đái tháo đường.

- Đạt được và duy trì tối ưu mức độ lipid máu và huyết áp để làm giảm nguy cơ các bệnh mạch máu lớn

- Dự phòng và điều trị các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường.

- Thay đổi chế độ ăn và lối sống thích hợp, phòng và điều trị béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, tăng huyết áp và biến chứng thần kinh.

- Nâng cao sức khỏe thông qua lựa chọn thực phẩm và hoạt động thể lực giúp người bệnh cảm thấy luôn luôn khỏe mạnh, lạc quan và tuân thủ tốt chế độ ăn.

Tuy nhiên không thể có một chế độ ăn áp dụng chung cho mọi người mà cần phải xây dựng một chế độ ăn thích hợp cho từng cá nhân. Chế độ ăn riêng cho từng cá nhân phụ thuộc vào các yếu tố sau: Tuổi, nghề nghiệp, thói quen và sở thích.  

Chế độ ăn của từng người phải tuân theo một nguyên tắc chung như sau:

  • Năng lượng:

+ Nằm điều trị tại giường và hoạt động nhẹ: 30 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.  

+ Hoạt động nặng: 35Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.

  • Glucid: 55 - 65% tổng năng lượng.

  • Lipid: 20 - 25% tổng năng lượng ( đó 2/3 là acid béo không no).

  • Protein: 15- 20%  tổng năng lượng.

  • Tăng cường chất xơ: 20g/1000 Kcal.

  • Chia thành nhiều bữa  ngày (> 3 bữa/ngày), cố định thời gian cho các bữa ăn.

  • Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Lựa chọn thực phẩm

1. Thực phẩm nên dùng

  • Các loại: gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn... Nên chọn: gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc...

  • Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành..)

  • Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo như: thịt nạc, cá nạc, tôm...

  • Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng...)

  • Ăn đa dạng các loại rau.

  • Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình: gioi, thanh long, bưởi, ổi, cam, đu đủ chín…

  • Chọn loại sữa có chỉ số đường huyết thấp: Glucerna, Gluvita, Nutrien diabetes

2. Thực phẩm hạn chế dùng

  • Miến dong, bánh mỳ trắng.

  • Khoai củ chế biến dưới dạng nướng.

  • Phủ tạng động vật như: tim, gan, bầu dục…

  • Mỡ động vật.

  • Các loại quả có hàm lượng đường cao: táo, na, nhãn, vải, mít, chuối, hồng xiêm, chôm chôm…

3. Thực phẩm không nên dùng

  • Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường. Các loại quả sấy khô.

Rượu, bia, nước ngọt có đường… vì gây tăng nhanh đường huyết

Một số diểm cần chú ý:

1. Khi chế biến thực phẩm

-  Nên ăn các thực phẩm được nấu tại nhà. Hạn chế tối đa việc ăn bên ngoài,  trừ khi bất khả kháng. Các loại thức ăn được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, tiềm, nấu canh thì chứa ít chất độc hơn các loại chế biến ở nhiệt độ cao như xào, chiên, đặc biệt là chiên dòn.

-  Một số loại thực phẩm đóng gói sẵn được quảng cáo “dành cho bệnh nhân đái tháo đường”. Phải thật cẩn thận xem kỹ thành phần và bảng năng lượng được in trên nhãn. Không nên tin cậy tuyệt đối vào các loại thực phẩm được quảng cáo này, hơn nữa giá thành thường cao.

  • Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao.

  • Chú ý không nên tùy tiện bỏ bữa ăn rồi sau đó ăn bù. Bỏ bữa ăn rất nguy hiểm đặc biệt đối với các bệnh nhân có tiêm insulin.

  • Sử dụng trái cây

  • Đường trong trái cây là loại đường fructose. Đường frutose làm tăng đường huyết chậm hơn đường sucrose (đường mía) do đó bệnh nhân đái tháo đường có thể dùng được.

  • Nên ăn những loại trái cây có màu đậm. Trái cây có màu đậm thường có nhiều loại vitamin và chất khoáng cần thiết cho tim mạch và sức khỏe nói chung.

  • Bản thân chất đường, dù là đường trong trái cây hay đường mía đều làm tăng mức đường huyết và tăng nồng độ các loại mỡ không tốt cho tim mạch (tăng triglyceride và giảm HDL-cholesterol) vì vậy nên dùng với lượng vừa phải.

  • Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương.

  • Tuyệt đối không được ăn trái cây để thay các loại thực phẩm khác.

  • Sữa và các loại sản phẩm từ sữa:

  • Bệnh nhân đái tháo đường vẫn có thể uống được sữa và dùng các thực phẩm chế biến từ sữa. Tuy nhiên nên dùng những loại sữa không đường, hay các loại sữa được chế biến đặc biệt cho bệnh nhân đái tháo đường.

  • Ăn 100ml sữa chua không đường trước bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thu chất bột đường và ít làm tăng đường huyết sau ăn.

  • Bệnh nhân đái tháo đường có thể dùng các loại sữa không đường, ít (hay không béo), hay sữa đậu nành. Cũng có thể dùng các loại sữa được chế biến dành riêng cho người đái tháo đường.

  • Nên bỏ hẳn thói quen uống sữa trước khi đi ngủ. Có thể uống sữa được vào buổi sáng (điểm tâm) hay buổi trưa.

Tóm lại, không có một chế độ ăn nào áp dụng chung cho tất cả mọi người. Thông qua tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bệnh nhân có thể tự xây dựng khẩu phần thức ăn riêng cho mình tùy theo giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp và sở thích. Trên cơ sở nắm được quy tắc chung và tự theo dõi mức đường huyết. Điều quan trọng là bệnh nhân luôn luôn cảm thấy vui khỏe và không quá lo lắng, khó khăn trong việc thực hiện và tuân thủ chế độ ăn cho mình.

Dưới đây là một thực đơn mẫu cho bệnh nhân bị đái tháo đường có cân nặng từ 46-53kg. Tổng năng lượng trung bình khoảng 1500-1600Kcal/ngày.

 

THỰC ĐƠN MẪU

 

Bữa

Thứ 2 + 5

Thứ 3 +6 + CN

Thứ 4 + 7

7giờ

- Xôi đỗ xanh 1 bát (gạo nếp 30g, đỗ xanh 20g)

- Phở thịt (bánh phở 150g, thịt 50g)

- Sữa đậu nành 1 cốc 200ml

- Bánh mì 50g

- Sữa đậu nành 1 cốc 200ml

11giờ

- Cơm 2 lưng bát (gạo tẻ 100g)

- Thịt, đậu sốt cà chua (Thịt sấn 40g, đậu 60g, dầu ăn 10g, cà chua 50g)

- Bắp cải luộc 200g

- Cơm 2 lưng bát (gạo tẻ 100g)

- Cá kho 80g, dầu 5g

- Canh rau ngót (rau 100g, tôm khô 20g)

- Cơm 2 lưng bát (gạo tẻ 100g)

- Đậu phụ om (đậu phụ 150g, dầu 5g)

- Canh rau cải (rau 200g, cua 10con)

- Thịt lợn rim 40g

- Quýt 1 quả (100g)

15giờ

- Sữa đậu nành 1 cốc (200ml)

- Chuối 2 quả (Đu đủ 200g)

- Sữa chua 100ml

19giờ

- Cơm 2 lưng bát (gạo tẻ 100g)

- Xúp gà (thịt gà 50g, su hào 150g)

- Măng luộc trộn vừng (măng 100g, lạc vừng 50g, dấm, tỏi, rau thơm)

- Cơm 2 lưng bát (gạo tẻ 100g)

- Tôm rang 30g

- Đỗ xào (đỗ 200g, thịt lợn sấn 30g, dầu 10g)

- Cơm 2 lưng bát (gạo tẻ 100g)

- Măng xào gan lợn (măng 100g, gan 50g)

- Canh cải cúc 100g

- Chuối 1 quả

21giờ

- Bích quy 50g

- Sắn luộc 100g

- Khoai sọ luộc 200g

( Bệnh viện PHCN sưu tầm)