Công nghệ tập luyện trong phục hồi chức năng đang là một xu thế tất yếu hiện nay. Dựa trên các hệ thống thiết bị tập luyện hiện đại được lập trình và có kiểm soát, thông số kỹ thuật chuẩn xác, thực hiện bài tập một cách khách quan, phù hợp với rất nhiều dạng bệnh lý và trình độ tổn thương vận động khác nhau nên hiệu quả đạt được rất khả quan.

 

Trên thế giới, rất nhiều hãng thiết bị Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng đã quan tâm nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay như công nghệ tạo chuyển động, công nghệ gia lực, công nghệ điều khiển… Ở trong nước, cũng đã có một số đơn vị được đầu tư các thiết bị tập luyện hiện đại, ứng dụng vào thực hành lâm sàng thu được nhiều kết quả khả quan, như Bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Y học Thể thao, Trung tâm Y tế Dầu khí Vũng Tầu… Tuy nhiên, thực tế việc triển khai cũng chưa thật sự được phổ cập đúng với nhu cầu sử dụng của các đơn vị Phục hồi chức năng hiện nay. Một phần có thể do chúng ta còn thiếu những thông tin cần thiết.

Được sự đồng ý của Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108, nhân dịp đoàn chuyên gia cao cấp của Công ty HUR Phần Lan - Một hãng thiết bị phục hồi chức năng rất có uy tín trên thị trường quốc tế - sang thăm Việt Nam, ngày 10 tháng 3 năm 2015 vừa qua Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện TƯQĐ 108 phối hợp với Đại diện độc quyền sản phẩm HUR tại Việt Nam – Công ty TNHH Thể thao Actilife đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học chuyên đề: “Công nghệ tập luyện tích cực HUR trong Phục hồi chức năng”.

Hội thảo đã trao đổi các vấn đề chuyên môn tập trung vào 4 chủ đề là:

-          Công nghệ và thiết bị tập luyện tích cực HUR trong Phục hồi chức năng, do bà Lena Karjaluoto, CEO công ty HUR Phần Lan trình bày.

-          Thiết bị lượng giá và tập luyện cho người bệnh rối loạn thăng bằng theo công nghệ HUR LABS trong Phục hồi chức năng, do ông Anssi Lipsonen, CEO công ty HUR LABS Phần Lan trình bày.

-          Sự phát triển mạng lưới của HUR tại Việt Nam, do bà Đặng Tú Anh, đại diện HUR tại Việt Nam trình bày.

-          Một số kết quả bước đầu ứng dụng hệ thống máy tập tích cực HUR phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân chấn thương khớp tại Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện TƯQĐ108.

Công ty HUR Phần Lan là một đơn vị chuyên nghiên cứu sản xuất các thiết bị tập luyện trong lĩnh vực thể thao và y học phục hồi chức năng. Sản phẩm của công ty rất có uy tín trên thị trường châu Âu với những đặc điểm nổi trội về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế vận hành cơ cấu hoạt động của máy tập và quản lý bài tập bằng phần mềm thông minh. Các dữ liệu tập của người bệnh đều được lưu giữ, phân tích, xử lý trên cơ sở đó người bác sĩ và kỹ thuật viên hướng dẫn có thể đề xuất bài tập phù hợp cho từng người bệnh tương ứng với mức độ tổn thương vận động cũng như sự tiến bộ của họ trong quá trình tập luyện. Hệ thống thiết bị cho phép thiết kế các bài tập chuyên biệt của chi trên, chi dưới hay thân mình và/hoặc có thể phối hợp nhiều nhóm cơ khác nhau trong cùng một bài tập (chức năng tập “kép”). Máy sử dụng công nghệ truyền lực Natural Transmission là một nghiên cứu độc quyền của Hãng mô phỏng theo chuyển động tự nhiên của các khớp cơ thể, phù hợp hoàn toàn với sinh lý vận động con người kết hợp với kỹ thuật tạo lực đề kháng bằng khí nén cho phép tạo ra lực cản tập luyện từ mức rất nhỏ (0 kg) cho tới mức rất cao (70-80 kg), đồng thời loại bỏ được sức ỳ cũng như các xung lực giật cục trong quá trình thực hiện động tác tập luyện. Một số tính năng ưu việt khác như khả năng điều chỉnh biên độ cử động khớp, kiểm tra cân đối lực, có thể tích hợp bộ phận kiểm tra phân tích lực, quản lý bài tập bằng thẻ thông minh Smartcard… Máy đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001:2000; S 001 (EN 45012, ISO/IEC Guide 62); EC Directive 93/42/EEC.

    Mô phỏng cử động co cơ của hệ thống tập tích cực HUR 

Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện TWQĐ108 là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai hệ thống thiết bị tập luyện tích cực của HUR từ năm 2010. Qua thời gian sử dụng đã chứng tỏ được hiệu quả đầu tư là đúng hướng và giá trị cao của hệ thống thiết bị đối với tập phục hồi chức năng cho những người bệnh có rối loạn vận động do bệnh lý nặng thuộc hệ thần kinh hay do chấn thương xương, khớp.


Tại hội thảo, các bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng cũng đã trình bày một số kết quả chủ yếu từ hai đề tài NCKH cấp cơ sở thực hiện trong những năm gần đây về ứng dụng hệ thống thiết bị tập luyện tích cực HUR phục hồi chức năng cho những bệnh nhân bị chấn thương khớp nói chung và một số bệnh nhân sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối tại bệnh viện. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt về lực cơ và thể tích khối cơ, tầm vận động khớp cũng như chức năng hoạt động của khớp. Đặc biệt, có tới 94,8% số bệnh nhân đã có thể trở lại với hoạt động nghề nghiệp sau khi tập phục hồi với hệ thống máy tập HUR, trong khi những bệnh nhân điều trị bằng các phương pháp tập luyện thông thường (nhóm chứng) chỉ đạt 42,9%. Không ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào trong quá trình tập luyện.

Hướng dẫn bệnh nhân tập trên hệ thống máy tập tích cực HUR tại Khoa PHCN

Tới dự và chỉ đạo hội thảo có đồng chí Đại tá PGS.TS. Lâm Khánh, phó Giám đốc Bệnh viện phụ trách công tác Huấn luyện và NCKH, đồng chí TS Nguyễn Quốc Tuấn, trưởng phòng KHQS Bệnh viện, đồng chí Đại tá KS Đỗ Việt Hùng, chủ nhiệm khoa Trang bị Bệnh viện cùng với các bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Phục hồi chức năng.

Hội thảo cũng đã quy tụ được đông đảo các nhà chuyên môn trong lĩnh vực Phục hồi chức năng trong và ngoài Quân đội thuộc các đơn vị trên địa bàn Hà Nội cùng một số tỉnh lân cận và miền núi phía Bắc như Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Quảng Ninh… Trong phần thảo luận, các nhà chuyên môn đã đánh giá cao hệ thống thiết bị tập luyện tích cực của HUR, đồng thời cũng nói lên sự cần thiết và vai trò quan trọng của các thiết bị tập luyện hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phục hồi chức năng các dạng bệnh lý có rối loạn vận động hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư phát triển các thiết bị kỹ thuật mới, công nghệ cao cũng cần chú ý phát huy, phát triển các kỹ thuật điều trị cơ bản đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng thông thường của cộng đồng. Hội thảo đã góp phần cập nhật một số thông tin hữu ích thuộc chuyên ngành, đồng thời cũng là cầu nối giữa các đồng nghiệp đang công tác trong chuyên ngành PHCN với nhà sản xuất và đơn vị phân phối sản phẩm trên thị trường Việt Nam. Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp./.